NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)!
image advertisement
Công đoàn Việt Nam với việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành cùng công nhân và người lao động, xứng đáng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, để thấy rõ hơn vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành cùng công nhân và người lao động, xứng đáng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, để thấy rõ hơn vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.


Một số kết quả nổi bật
Những năm qua, các cấp Công đoàn Việt Nam đã thực hiện đa dạng hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động để thích ứng với tình hình quan hệ lao động và hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện, bổ sung với nhiều quy định mới.
Phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đoàn viên trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giai đoạn 2013 – 2018, Tổng Liên đoàn đã có 521 văn bản tham gia ý kiến, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhiều ý kiến đề xuất của công đoàn đã được tiếp thu, góp phần quan trọng trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động, tiêu biểu là tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự; các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn...
Các ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đã cơ bản thể hiện được trí tuệ tập thể, ý chí của tổ chức công đoàn và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Chất lượng ý kiến tham gia góp ý, xây dựng pháp luật từng bước được nâng cao, được cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao; thể hiện ngày càng rõ nét chức năng tham gia quản lý, chức năng đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 60%, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được các cấp công đoàn chú trọng thực hiện; nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới...
Đến cuối năm 2018, cả nước đã ký kết được 28.876 bản thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, công đoàn đã chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị người lao động. Bình quân hàng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời; nhiều khó khăn của doanh nghiệp được người lao động chia sẻ; vai trò của tổ chức công đoàn được thể hiện rõ nét hơn.
Từ năm 2016 - 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc của công nhân, lao động, tạo hiệu ứng lan tỏa để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ đối thoại giải quyết kịp thời các kiến nghị đề xuất chính đáng của người lao động.
Hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn đã được thực hiện tích cực, phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý vi phạm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; đồng thời trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho cơ quan, đơn vị; góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, công đoàn. Chương trình phối hợp giám sát giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương trong việc thực hiện pháp luật.
Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn được quan tâm; một số trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn được nâng cao năng lực, mở rộng phạm vi hoạt động, chủ động tiếp cận trực tiếp người lao động.
Tính đến tháng 12/2018, hệ thống Công đoàn đã thành lập 79 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật, trong đó có 16 trung tâm (chiếm 20,25%), 45 văn phòng (chiếm 56,96%) và 18 tổ (chiếm 22,78%). Đã có 60/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố (chiếm 95,23%), 17/20 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (chiếm 85%) thành lập trung tâm, văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật. Số lượng đoàn viên, người lao động được tư vấn ngày càng tăng, lĩnh vực tư vấn ngày càng phong phú. Nội dung chủ yếu tập trung vào các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tập thể người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động...
Riêng giai đoạn 2015 - 2018, hệ thống các trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật của hệ thống Công đoàn đã thực hiện 139.196 vụ tư vấn pháp luật cho 503.522 lượt người, trong đó: Tư vấn trong lĩnh vực lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN là 134.811 vụ (chiếm 96,99%) cho 488.378 lượt người (chiếm 96,99%). Tư vấn trực tiếp cho 131.364 lượt người (chiếm 26,09%), tư vấn gián tiếp cho 204.404 lượt người (chiếm 40,59%), tư vấn lưu động cho 164.754 lượt người (chiếm 33,32%).
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ người lao động tại 694 vụ án, giúp 3.177 người lao động được quay trở lại làm việc (với số tiền bồi thường hơn 65 tỷ đồng), truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 67.692 người lao động, chi trả trợ cấp thôi việc cho 3.514 người lao động. Tổ chức 14.558 cuộc tuyên truyền cho 926.112 lượt người; tổ chức, phối hợp tổ chức 96 lớp cho 6.590 lượt cán bộ công đoàn, người lao động.
Hoạt động tham gia đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia an toàn vệ sinh lao động; phong trào quần chúng tham gia công tác an toàn vệ sinh lao động với hệ thống an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất ngày càng được phát triển sâu rộng; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” có những tiêu chí mới, góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ thời gian tới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, trong những năm tới các cấp Công đoàn Việt Nam tiếp tục tập trung các nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ với đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, với các nhiệm vụ trọng tâm:
- Một là, đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Coi đây là phương thức bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả; tập trung vào sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức… và các đạo luật khác liên quan trực tiếp đến người lao động và tổ chức công đoàn.
- Hai là, thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại các cấp công đoàn. Nâng cao số lượng, chất lượng đối thoại và thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; phấn đấu 80% các thỏa ước lao động tập thể chỉ bao gồm các nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật. Có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ công đoàn cơ sở ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
- Ba là, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Đa dạng hóa nội dung, phương thức, phạm vi hoạt động tư vấn pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động, tư vấn pháp luật lưu động, tư vấn pháp luật trực tuyến.
- Bốn là, đẩy mạnh công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội. Phát huy hiệu quả cơ chế liên ngành, kiên quyết đề nghị xử phạt kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương pháp luật.
- Năm là, thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đưa nội dung công tác an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ với các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
- Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp làm công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động; phải thực sự coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của tổ chức, được ưu tiên đầu tư nguồn lực và công tác chỉ đạo. Nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Trong những năm tới, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung các nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ với đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
(NGUỒN BÁO MỚI)


BAN BIÊN TẬP
Trưởng Ban: Lưu Thị Trúc Ly - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.
Phó Ban: Huỳnh Văn Đậm - UV.BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công.
Phó Ban: Trương Đắc Lil - UV.BCH, Phó trưởng Ban CSPL&QHLĐ.
Địa chỉ: Số 07, Đường Lưu Tấn Tài - Phường 5 - TP. Cà Mau - Tỉnh Cà Mau; ĐT: (0290) 3 831431 - Fax: 3 835 198.
Email: bbtcongdoancm@gmail.com; Website: http://www.congdoancamau.org.vn.
Copyright © Bản quyền thuộc về Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau.
Quản trị hệ thống