MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN!
image advertisement
Phát triển đội ngũ công nhân trước yêu cầu mới
TCCSĐT - Dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu ngành, nghề, chất lượng được nâng lên nhiều mặt, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ chính trị có nhiều tiến bộ. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giai cấp công nhân Việt Nam cần tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, để thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


TCCSĐT - Dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu ngành, nghề, chất lượng được nâng lên nhiều mặt, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ chính trị có nhiều tiến bộ. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giai cấp công nhân Việt Nam cần tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, để thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tình hình giai cấp công nhân Việt Nam 10 năm qua
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đã chỉ rõ định hướng cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, như là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước: “chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân”, “quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân”. Đây là “trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân”(1).
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 53,3 triệu người, tăng gần 7 triệu người so với 10 năm trước đây. Cơ cấu lao động ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước có sự thay đổi. Số lượng doanh nghiệp và công nhân lao động (CNLĐ) ở khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh (hiện có khoảng 7,8 triệu người), các số liệu này giảm mạnh ở các doanh nghiệp nhà nước (khoảng gần 400 nghìn người so với năm 2008). Ngành, nghề truyền thống dần thu hẹp, bên cạnh đó phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò then chốt của nền kinh tế quốc dân, làm gia tăng đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao. Công nhân các ngành công nghiệp chiếm 46,1%; ngành xây dựng chiếm 15%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 25,9%; ngành vận tải chiếm 4,7%, các ngành khác chiếm 8,3%(2). 
Cả nước hiện có 325 khu công nghiệp (KCN), tập trung ở các tỉnh, thành phố, khu vực kinh tế trọng điểm với trên 3 triệu CNLĐ. Độ tuổi bình quân của công nhân trẻ, dưới 25 tuổi chiếm 43,4%, từ 26 - 35 tuổi chiếm 34,7%, từ 36 - 45 tuổi chiếm 14%. Tuổi nghề dưới 1 năm chiếm 6,9%, từ 1 năm - 5 năm chiếm 30,6%, từ 6 năm - 10 năm chiếm 16,4%, từ 11 năm - 15 năm chiếm 10,5%, 16 năm - 20 năm chiếm 16,8%, 21 năm - 25 năm chiếm 13,3%, trên 25 năm chiếm 5,5%(3). Quý 4 - 2018, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 22,22%, tăng 0,42 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Theo các cấp trình độ, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong tổng số lực lượng lao động là 9,76%; cao đẳng là 3,68%; trung cấp là 5,35% và sơ cấp nghề là 3,43%(4). Qua đó, có thể thấy quy mô công nhân kỹ thuật cao ở nước ta còn nhỏ bé so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn “cất cánh” chuyển từ thay đổi về lượng sang thay đổi về chất thì ít nhất phải có một số lượng nhất định người lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao để dẫn dắt sự phát triển(5). Ngày nay, mặc dù công nghệ hiện đại, hệ thống thiết bị tiên tiến, nhưng CNLĐ vẫn là mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất để tạo ra sản phẩm ngày càng nhiều và có chất lượng góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của doanh nghiệp, địa phương, đất nước. Nhìn vào cơ cấu GDP năm 2018 có thể thấy sự đóng góp của các ngành, nghề kỹ thuật cao trong nền kinh tế. Theo đó, GDP tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất 10 năm qua; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%(6).
Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và 5 năm triển khai Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI, “về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân được tập trung giải quyết, nhiều vấn đề đạt kết quả quan trọng: Tiền lương tối thiểu đáp ứng hơn 90% mức sống tối thiểu, thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể; việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm; chính sách an sinh xã hội cho người lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung, hoàn thiện; điều kiện làm việc được cải thiện, nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được triển khai thực hiện tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; nhà ở, thiết chế văn hóa, nhà trẻ mẫu giáo, nơi vui chơi giải trí trong các KCN được quan tâm đầu tư xây dựng… Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại CNLĐ các tỉnh, thành phố khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam, miền Trung và các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng; kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Ðầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, theo Quyết định số 665-QĐ/TTg, ngày 12-5-2017, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ đối với đời sống của CNLĐ và là kim chỉ nam cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam đã có những bước tiến mới, quan trọng, mang tính đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đoàn viên; trong thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao hiểu biết chính trị, pháp luật cho CNLĐ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ; phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo đời sống của CNLĐ; góp phần quan trọng trong giải quyết nhanh chóng, kịp thời các “điểm nóng” về quan hệ lao động tại cơ sở. Triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy việc chăm lo các lợi ích cho đoàn viên công đoàn, người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người lao động và người sử dụng lao động.
Nhằm nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động cho CNLĐ, công đoàn phối hợp mở các lớp đào tạo nghề, học bổ túc văn hóa; chương trình đại học vừa học vừa làm; hình thành quỹ học bổng Công đoàn Việt Nam hỗ trợ học phí cho công nhân học tập; biểu dương, tôn vinh điển hình vượt khó, thành đạt; đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Công đoàn cơ sở cùng với lãnh đạo doanh nghiệp, các bộ phận chuyên môn tổ chức dạy nghề cho công nhân đang ngày càng trở nên phổ biến và có tác dụng tích cực nâng cao trình độ tay nghề, chất lượng lao động. Không ít tập đoàn, doanh nghiệp đã coi trọng việc tiếp thu công nghệ tiên tiến của những nước phát triển, cử những công nhân có tay nghề giỏi đi tu nghiệp ở nước ngoài. 
Nghị quyết số 07c - NQ/BCH, ngày 25-02-2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI, về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đã thực sự tác động mạnh mẽ đến từng đoàn viên, người lao động, với việc chăm lo cải thiện bữa ăn giữa ca, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho người lao động là đoàn viên công đoàn. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho hàng chục nghìn gia đình đoàn viên, người lao động nghèo. Chương trình “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” hằng năm được triển khai sâu rộng trong hệ thống công đoàn, có hiệu ứng tích cực. Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đối thoại định kỳ trong các doanh nghiệp được các cấp công đoàn chú trọng thực hiện. Nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết có lợi hơn cho người lao động... Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời; nhiều khó khăn của doanh nghiệp cũng được người lao động chia sẻ… Phát động nhiều phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo động lực cho công nhân, viên chức, người lao động tiếp tục thi đua hăng say lao động sản xuất; thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức đoàn thể. 
Tổ chức bộ máy công đoàn các cấp được kịp thời kiện toàn, củng cố. 10 năm qua, có gần 548 nghìn đoàn viên công đoàn ưu tú đã được công đoàn cơ sở giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp; khoảng 362 nghìn người được kết nạp vào Đảng, trong đó CNLĐ trực tiếp sản xuất là 116 nghìn người.
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, giai cấp công nhân nước ta cũng có những biến đổi tiêu cực, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, ngày 25-9-2018, đó là: “một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược, như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân...; một số công nhân bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hóa trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn”(7). Nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân chưa giải quyết được triệt để. Vấn đề bảo đảm việc làm của công nhân còn nhiều khó khăn, cường độ làm việc cao, tiền lương, thu nhập chưa tương xứng. Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế. Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong công nhân chưa có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ đảng viên, cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân và tỷ lệ cán bộ công đoàn vào thường vụ cấp ủy ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân còn thấp.
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh trong giai đoạn hiện nay
Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ có rất nhiều đổi mới, nhưng bản chất của nó vẫn là sản xuất công nghiệp và hiển nhiên gắn liền với công nhân và công nghệ. Không ai khác, chính giai cấp công nhân Việt Nam sẽ đi đầu trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo đó, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cần tập trung triển khai quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân được thể hiện trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Hai là, nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước sát hợp với đối tượng người lao động, trọng tâm là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; về năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có việc làm bền vững, an toàn, luôn gắn kết chặt chẽ với tổ chức công đoàn. Phát triển đội ngũ tuyên truyền viên tại công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có đông đoàn viên công đoàn; làm tốt công tác cung cấp thông tin, hoàn thiện phương thức hoạt động của lực lượng này.
Tuyên truyền, vận động người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên ưu tú khu vực ngoài nhà nước học tập nâng cao trình độ chính trị. 
Ba là, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập của công nhân. Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm củng cố, nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công. Tiếp tục rà soát Luật Công đoàn năm 2012 để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. 
Tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng quy trình, lực lượng và hình thức đối thoại đột xuất liên quan những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động. Tập trung tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn cần chủ động tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động tại tòa án theo quy định. 
Nghiên cứu, khảo sát, dự báo tình hình tác động đến việc làm của người lao động. Cập nhật, cung cấp thông tin về việc làm; tham gia xây dựng cơ chế hỗ trợ đoàn viên tìm kiếm việc làm mới, nhất là lao động nữ để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh. Thành lập Chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Tập trung cải thiện các nhu cầu đời sống thiết yếu của công nhân, viên chức, lao động. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn. Nghiên cứu xác định các trường hợp khó khăn bất khả kháng của đoàn viên công đoàn, người lao động và hình thành cơ chế để hỗ trợ kịp thời.
Bốn là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới; tập trung nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ cấp thiết của tổ chức công đoàn. Nghiên cứu, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các cấp theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn ngành trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân, tổng công ty nhà nước thoái vốn, các doanh nghiệp có cùng chủ sử dụng lao động; mô hình công đoàn cơ sở ghép nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị theo ngành, nghề trên cùng địa bàn; mô hình tập hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 CNLĐ trở lên. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đủ năng lực hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tập thể, đối thoại, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên. Bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có đông đoàn viên công đoàn.
Triển khai Đề án xây dựng nguồn lực đủ mạnh của tổ chức công đoàn để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành biểu tượng hành động nâng cao đời sống công nhân.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân trong văn kiện trình đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng; bên cạnh đó, bổ sung nội dung: có tỷ lệ thích hợp cán bộ công đoàn vào thường vụ cấp ủy các cấp ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân. Xây dựng chiến lược phát triển giai cấp công nhân, nhất là đội ngũ công nhân, lao động thực hành giỏi, tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của Cách mạng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế./.
------------------------------------------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 48-49
(2) Niên giám thống kê 2016, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2017, tr. 279-284
(3) Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Báo cáo 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Báo cáo của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2017)
(4) Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2018
(5) Báo cáo khoa học Đề tài "Nguồn nhân lực và nhân tài cho phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt nam trong tiến trình đổi mới", mã số KX.02.24/06-10 do GS.TS Nguyễn Ngọc Phú làm chủ nhiệm, Hà Nội 2010, tr.99-06; ILO, Qualification Frameworks: Implementation and Impact- Background case study on Lithuania, ILO 2010, p.2; OECD: Developing highly skilled workers: Review of Canada, OECD, France 2004, p.6-9
(6) Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018
(7) Tạp chí Cộng sản, số 912 (10-2018), tr. 9
TS. Bùi Văn Cường
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
(Nguồn http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2019/54888/phat-trien-doi-ngu-cong-nhan-truoc-yeu-cau-moi.aspx)


BAN BIÊN TẬP
Trưởng Ban: Lưu Thị Trúc Ly - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.
Phó Ban: Huỳnh Văn Đậm - UV.BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công.
Phó Ban: Trương Đắc Lil - UV.BCH, Phó trưởng Ban CSPL&QHLĐ.
Địa chỉ: Số 07, Đường Lưu Tấn Tài - Phường 5 - TP. Cà Mau - Tỉnh Cà Mau; ĐT: (0290) 3 831431 - Fax: 3 835 198.
Email: bbtcongdoancm@gmail.com; Website: http://www.congdoancamau.org.vn.
Copyright © Bản quyền thuộc về Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau.
Quản trị hệ thống