MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN!
image advertisement
Công đoàn Cà Mau đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”

Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các tỉnh, thành phố lân cận. Số ca nhiễm ngày càng tăng và khó dự báo. Dịch lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động, nhất là công nhân lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

1. Tình hình diễn biến của đại dịch COVID-19 trong nước và tại tỉnh Cà Mau:

- Trước tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, có nguy cơ cao lây lan sang diện rộng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân nói chung và đoàn viên công đoàn và người lao động nói riêng.

- Đối với tỉnh Cà Mau của chúng ta công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt, bình tĩnh và cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng, quyết tâm cao của người dân, trong đó có lực lượng công nhân, viên chức và người lao động đã ý thức được công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua và hiện nay. So với Đồng bằng sông Cửu Long thì Cà Mau chúng ta tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng là rất thấp.

- Như anh chị em công nhân đã biết, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chung sức, đồng lòng cùng các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, duy trì sản xuất...Hình ảnh các y bác sỹ, lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch làm việc xuyên đêm; các cán bộ, công chức và người dân chung sức, chung lòng, cùng nhau chống dịch đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình để cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn, của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người lao động.

- Tuy nhiên, trong những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ khâu cung ứng nguyên liệu, bố trí sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...Đặc biệt là nguy cơ phải dừng sản xuất do có người lao động bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

- Để góp phần đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, các chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, bảo đảm được việc làm, thu nhập và đời sống ổn định cho người lao động, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau kêu gọi đoàn viên công đoàn, người lao động cùng nhau đoàn kết, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

Thứ nhất, đoàn viên công đoàn, người lao động cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4053/UBND-TH, 28/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc chấn chỉnh các hoạt động vận chuyển hàng hóa và cấm ra đường sau 18 giờ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Thứ hai, đoàn viên công đoàn, người lao động cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế:

  • 1-Khẩu trang:

+ Đeo khẩu trang vải, đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

+ Đeo khẩu trang y tế, tại các cơ sở y tế, khu cách ly.

2- Khử khuẩn:

+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

+ Vệ sinh các bề mặt vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

+ Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

3- Khoảng cách:

+ Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

4- Không tụ tập:

+ Không tụ tập nơi đông người.

5- Khai báo y tế:

Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở đến cơ quan y tế khai báo thành thật.

Đối với người lao động chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; khi đi đến công ty, cơ sở sản xuất để làm việc, người lao động cần nghiêm túc đảm bảo chỉ di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu quán triệt trong hệ thống công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, tỉnh, thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không để hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến mới của dịch bệnh.

Tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động yên tâm sản xuất, hạn chế tham gia các sự kiện và hoạt động cộng đồng, tập trung đông người, thực hiện nghiêm quy định 5K, nhất là việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và tại các địa điểm và trên các phương tiện giao thông công cộng; khuyến khích thực hiện khai báo y tế tự nguyện, thông báo cho chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng dịch.

Những nơi, những doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài, công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động kiến nghị, yêu cầu chuyên gia thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là quy định về thời gian cách ly tại địa điểm cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà. Không quá lo lắng, kỳ thị chuyên gia nước ngoài, không tẩy chay chuyên gia Trung Quốc nhưng chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau về phương án sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ) theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng vào doanh nghiệp.

Đối với người lao động: cần thực hiện ý thức trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; ủng hộ, thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”“1 cung đường 2 điểm đến” của các doanh nghiệp đã xây dựng.

 Việc Doanh nghiệp bố trí nơi tạm lưu trú cho người lao động theo phương án “3 tại chỗ” để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, góp phần hạn chế việc lây lan dịch bệnh là hoạt động tích cực của doanh nghiệp trong cách ứng phó với dịch bệnh hiện nay. Để phương án này đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc bảo đảm cơ sở vật chất, lãnh đạo doanh nghiệp cần làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động, vì nhiều người chưa hiểu rõ nên còn ngại phương án “3 tại chỗ”.

Người lao động anh chị em chúng ta cũng cần chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Hoạt động sản xuất thông suốt cũng đồng nghĩa rằng việc làm, thu nhập của người lao động sẽ ổn định.

Hiện nay doanh nghiệp của chúng ta đã lên phương án bố trí cho công nhân ở theo phương án “3 tại chỗ” để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo uy tín, đơn hàng với các đối tác đã được ký kết trước đó.

Để toàn bộ nhân sự có thể sinh hoạt tại nơi làm việc, Công ty trang bị đầy đủ vật dụng cần thiết, bố trí nơi ăn, ở, khu vệ sinh, tắm giặt, phơi quần áo....để phục vụ sinh hoạt cho công nhân cũng được quan tâm và bố trí kịp thời.

2. Người lao động nên hiểu phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” là gì:

- Phương án “3 tại chỗ” có thể hiểu là: sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ.

Như vậy để đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã bố trí thực hiện 3 tại chỗ cho công nhân để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

- Phương án “1 cung đường 2 điểm đến” trong tình hình phòng chống dịch hiện nay có thể hiểu là: 1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất, làm việc. 2 địa điểm ở đây chính là nơi ở của công nhân và nơi sản xuất, nhà máy của doanh nghiệp.

Như vậy để sản xuất an toàn trong tình hình đại dịch COVID-19 đang gia tăng trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, các doanh nghiệp cần thực hiện quy trình khép kín “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động cũng như đảm bảo tiến độ sản xuất của công ty.

3. Đối với chế độ chính sách mà người lao động cần biết:

- Về các văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau:

+ Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ,  ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi trợ cấp cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27 tháng 4 năm 2021.

+ Công văn số 2315/TLĐ, ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Tổng  Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

+ Hướng dẫn số 2242/TBXH-TLĐ-PTV, ngày 14 tháng 7 năm 2021 về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

+ Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 12 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số: 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

+ Kế hoạch số 52/KH-BCĐ, ngày 26 tháng 7 năm 2021 của BCĐ tỉnh Cà Mau về phòng chống dịch Covid-19 về  kiểm soát, chỉ đạo công tác, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, công trình xây dựng và ổn định sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

4. Đối với tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động:

- Công đoàn cấp trên trực tiếp sơ sở chủ động phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương rà soát, nắm chặt tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phụ trách; nhất là phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp (nắm chặt số doanh nghiệp đã xây dựng phương án).

- Phản ánh những khó khăn và đề xuất các giải pháp trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch và thực hiện chế độ chính sách cho công nhân lao động và doanh nghiệp.

- Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp rà soát và lập danh sách những lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 để thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời theo quy định.

- Cùng với người sử dụng lao động vận động công nhân lao động thực hiện các giải pháp để sản xuất theo phương án “3 tại chỗ, “1 cung đường 2 điểm đến” và thực hiện các chế độ chính sách cho công nhân lao động khi ngừng việc theo quy định của pháp luật.

- Kịp thời tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và phản ánh những khó khăn, vướng mắc về công đoàn cấp trên trực tiếp để được hướng dẫn, hỗ trợ.

5. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau:

- Liên đoàn Lao động tỉnh rất mong người dân có con em, người thân đang làm việc tại các doanh nghiệp hãy cùng với các ngành, các cấp kêu gọi, động viên con em ủng hộ, thực hiện phương châm sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” của doanh nghiệp để tiếp duy trì việc làm và giữ vững nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.

Với truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau anh hùng, tin rằng, chúng ta luôn giữ chắc niềm tin, khắc phục khó khăn, chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch COVID-19 !

Thiệu Vũ

BAN BIÊN TẬP
Trưởng Ban: Lưu Thị Trúc Ly - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.
Phó Ban: Huỳnh Văn Đậm - UV.BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công.
Phó Ban: Trương Đắc Lil - UV.BCH, Phó trưởng Ban CSPL&QHLĐ.
Địa chỉ: Số 07, Đường Lưu Tấn Tài - Phường 5 - TP. Cà Mau - Tỉnh Cà Mau; ĐT: (0290) 3 831431 - Fax: 3 835 198.
Email: bbtcongdoancm@gmail.com; Website: http://www.congdoancamau.org.vn.
Copyright © Bản quyền thuộc về Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau.
Quản trị hệ thống